Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Những kiến thức cần biết về chích ngừa viêm gan B

Những kiến thức cần biết về chích ngừa viêm gan B



Viêm gan B được gây ra bởi tác nhân là một loại siêu vi xâm nhập, sinh trưởng và chiếm lấy các tế bào của gan. Một trong các cách để phòng ngừa viêm gan B hữu hiệu nhất chính là việc chích ngừa.

Viêm gan B là bệnh gì?


Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loại siêu vi xâm nhập vào gan, sinh trưởng tại đó gây viêm gan cấp, viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan, siêu vi viêm gan B là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 trên thế giới. Nguồn chứa siêu vi B chính là con người, truyền qua đường máu và đường sinh dục, đặc biệt là truyền từ mẹ sang con.

Siêu vi viêm gan B sau khi xâm nhập cơ thể, đến gan sinh trưởng và gây nên:

- Viêm gan cấp tính: sốt, nhức mỏi tay chân, đau các khớp, vàng da …

- Viêm gan mãn tính: chán ăn, buồn nôn , đầy hơi, đau tức hạ sườn phải.

- Xơ gan: 15% –20 % bệnh nhân viêm gan B mãn phát triển thành xơ gan sau 5 năm trở bệnh.

- Ung thư gan: siêu vi viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, có thể xảy đến sau 10 năm kể từ khi khởi bệnh.

- 70%-90% trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HBV (có HBsAg+), hoặc trẻ em bị lây nhiễm sẽ trở thành người bị Viêm gan B mãn tính.

Tại sao cần phải chích ngừa viêm gan B?


Viêm gan B tuy là một bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm chủng. Có tới 95% số người được tiêm vắc-xin không bị lây nhiễm viêm gan B. Ở những nước phát triển như Đài Loan, sau khi áp dụng tiêm chủng đại trà cho trẻ em, tỉ lệ bé bị nhiễm viêm gan B giảm từ 10% xuống còn 1%, tỉ lệ ung thư gan ở trẻ giảm tới 50%.

Trên thế giới có hơn 2 tỉ người nhiễm viêm gan B, cứ mỗi năm khoảng 400.000 người chết vì các biến chứng của bệnh. Ở Việt Nam, cứ 4 người lại có một người mắc viêm gan B. Một trong các cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả là chích ngừa.

Đối tượng cần chích ngừa viêm gan B


Vắc-xin là để phòng bệnh, nghĩa là chỉ thực hiện trên những đối tượng chưa hề bị lây nhiễm viêm gan B. Như vậy đối với những ai đã mắc bệnh thì việc chích ngừa không còn giá trị nữa. Người lớn cũng có thể chích ngừa nếu chưa bao giờ bị nhiễm siêu vi B.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ em.

  • Những người có quan hệ tình dục không an toàn.

  • Những người nghiện, chích ma túy.

  • Người sống chung người nhiễm bệnh.

  • Bệnh nhân đang được thẩm phân phúc mạc hay chạy thận nhân tạo.

  • Bệnh nhân có rối loạn đông máu, cần truyền các yếu tôt đông máu.

  • Người làm việc hay phải tiếp xúc với máu người khác như bác sĩ, y tá, dịch vụ xăm mình, thẩm mỹ viện…

Thời gian chích ngừa


Theo chương trình tiêm chủng quốc gia tại Việt Nam, lịch tiêm chủng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B có 3 hoặc 4 mũi. Hiện nay, người ta áp dụng lịch chích ngừa 0-1-6, nghĩa là 2 mũi tiêm đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản ban đầu, mũi thứ ba tiêm nhắc lại sau sáu tháng tính từ mũi đầu tiên.

Một số trường hợp đặc biệt cần kích thích hệ đáp ứng miễn dịch nhanh, nhất là ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B mãn tính, người ta tiêm 4 mũi theo trình tự 0-1-2-12, nghĩa là 3 mũi đầu cách nhau một tháng và mũi còn lại tiêm vào tháng thứ mười hai. Dù vậy, chỉ với hai mũi đầu có thể tạo kháng thể chống lại bệnh trong khoảng 5-10 năm tùy cơ địa từng người. Nếu lỡ quên ngày chích mũi thứ ba thì vẫn có thể chích lại sau đó, không cần chích lại từ đầu.

Trình tự 0-1-6 có thể áp dụng với trẻ sơ sinh, còn đối với người lớn thì lịch chích ngừa theo trình tự 1-2-3. Ở đây, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ ba cách mũi thứ hai là 3 tháng. Với cách này, hiệu quả bảo vệ không bị nhiễm virus viêm gan B trong vòng 12 năm. Vì vậy thông thường thì người lớn không cần tiến hành theo dõi kháng – HBs hoặc tăng cường hệ miễn dịch. Nhưng đối với nhóm người có nguy cơ cao thì nên tiến hành theo dõi kháng – HBs, nếu kháng – HBs <10ml thì nên tiêm thêm mũi tăng cường.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét