Nói không với tiêm chủng vắc xin là tước đi miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại bệnh truyền nhiễm của trẻ nhỏ trước những diễn biến phức tạp của các dịch bệnh nguy hiểm. “Anti vắc xin” thật sự là một làn sóng gây ra mối nguy hại cho cộng đồng, là có tội với cả một thế hệ.
“Anti vắc xin” gây ra hệ lụy cho cả cộng đồng
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ hay không, đang là câu chuyện nóng trên mạng xã hội. Gần đây, trào lưu “an ti vắc xin” (tẩy chay vắc xin) lại tiếp tục được “hâm nóng”, tạo ra những luồng ý kiến trái chiều, thậm chí hiểu nhầm cả về tiêm vắc xin.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, sản xuất vắc xin và tiêm vắc xin phòng bệnh là một thành tựu y học lớn nhất của loài người. Tại Việt Nam, chương trình TCMR đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Chính nhờ có chương trình TCMR, hàng năm chúng ta đã bảo vệ được cho được hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Đồng thời, bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa.
Nhờ thành công của TCMR, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai TCMR trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần. Việt Nam đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020. Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não nhật bản, sởi đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.
Trào lưu anti vắc xin càng mạnh mẽ trước những trường hợp tai biến do tiêm vắc xin, khiến nhiều bệnh nhi tử vong chỉ sau một mũi tiêm được cho là oan nghiệt. Nhiều người dân nghi ngờ và tẩy chay vắc xin trong chương trình TCMR. Đặc biệt, ở thời điểm khan hiếm vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1” dịch vụ, các phụ huynh bảo vệ con bằng cách không tiêm vắc xin.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, có thể một nhóm người nào đó, có tư tưởng chống lại vắc xin là do chưa hiểu hết vấn đề. Bởi vì, bất kỳ loại vắc xin nào dù tốt đến đâu cũng không bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.
Cục Y tế dự phòng nhận định, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng một lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin.
Hãy yên tâm với chất lượng vắc xin sử dụng tại Việt Nam
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, những vắc xin được sử dụng tại Việt Nam đều trải qua quá trình kiểm định ngặt nghèo. “Việt Nam là một trong 39 quốc gia đạt tiêu chuẩn là cơ quan quản lý vắc xin theo tiêu chuẩn quốc tế NRA. Vì thế, những lô vắc xin trên thị trường Việt Nam đều bảo đảm an toàn chất lượng. Các bậc phụ huynh nên yên tâm về chất lượng vắc xin”.
Với vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, nhà nước bảo đảm một cách đầy đủ cung cấp cho tất cả các trạm TCMR. Hàng năm, chương trình TCMR đều có kế hoạch xây dựng và dự trữ vắc xin bảo đảm, do đó, người dân không quá quan ngại về khan hiếm vắc xin.
Hiện nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực sản xuất vắc xin “made in Việt Nam”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết “Việt Nam là một trong 44 quốc gia có nền sản xuất vắc xin; là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á sản xuất vắc xin. Chúng ta đã sản xuất được 10 loại vắc xin. Loại vắc xin mới nhất phòng bệnh Sởi - Rubella (MA) cũng đã sản xuất thành công với sự hỗ trợ của Nhật Bản và dự kiến đưa vào chương trình TCMR trong năm nay. Việt Nam cũng thành công trong sản xuất vắc xin phòng lao, viêm gan B. Riêng vắc xin phòng bại liệt IPV hai tuýp cũng mới sản xuất thành công và hiện đang tiến hành đăng ký, kiểm nghiệm bảo đảm chất lượng, tiến tới đưa vào sử dụng”.
Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đầu tư nghiên cứu sản xuất vắc xin theo thế hệ mới, tập trung vào vắc xin ho gà vô bào, bại liệt tiêm. Một số vắc xin tổng hợp đang nghiên cứu để tiến hành sản xuất với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như Nhật Bản và nước khác. Tiến tới đây, Việt Nam sẽ chủ động hoàn toàn trong cung ứng vắc xin “made in Việt Nam”.
Trấn an người dân tin tưởng vào chất lượng vắc xin và đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu bày tỏ, đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được Luật quy định. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động cho cá nhân người được tiêm. Khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao thì cộng đồng được bảo vệ phòng chống những tác nhân gây bệnh là vi khuẩn và virút.
Một lần nữa, các chuyên gia bày tỏ thái độ rất kiên quyết phản đối với những bậc phụ huynh “anti vắc xin”. “Anti vắc xin” không chỉ tạo ra nguy hiểm khi trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ, mà còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ. “Anti vắc xin là có tội với cả một thế hệ. Đây không còn là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội” – PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét