Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Gần 10% người Việt Nam mắc viêm gan B

Gần 10% người Việt Nam mắc viêm gan B


Có tới 9,1% dân số nước ta mắc viêm gan vi rút B, viêm gan C dao động từ 1- 4% dân số. Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến tình hình kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B/C”, diễn ra ngày 21/7, tại Hà Nội.



Theo kết quả khảo sát của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến năm 2017, ước tính nước ta có hơn 7,8 triệu người mắc bệnh viêm gan vi rút B khoảng gần 1 triệu người mắc viêm gan C mãn tính. Dự báo tỷ lệ số ca mắc bệnh và tử vong do viêm gan B ngày càng có chiều hướng gia tăng.Gần 10% người Việt Nam mắc viêm gan B


TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Bình quân mỗi tháng, khoa Viêm gan của bệnh viện phải tiếp nhận từ 200- 250 bệnh nhân nằm điều trị, khoa cấp cứu khoảng 20- 25 bệnh nhân là các trường hợp mức độ nặng phải can thiệp hồi sức tích cực như: Suy gan cấp, tối cấp, xơ gan… Khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng hơn 7.000 người/năm đối với bệnh nhân viêm gan B mãn tính, điều trị dự phòng.


Cũng theo ông Kính, con đường lây truyền chủ yếu của viêm gan B là truyền dọc từ mẹ sang con. Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 65% trẻ em mắc bệnh là mẹ có vi rút viêm gan B.


Hiện nay bệnh viêm gan B đã có vắc xin phòng bệnh, việc tổ chức tiêm chủng rộng rãi cho trẻ em bằng vắc xin liều sơ sinh và tiêm vắc xin dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là biện pháp giúp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên mức độ triển khai vẫn còn chưa thực sự đồng đều.


Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B (VGB) sơ sinh vẫn còn thấp (năm 2016 chỉ đạt 68%), không đồng đều ở các địa phương, có tỉnh chỉ đạt dưới 20%. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong quá trình triển khai tiêm vắc xin VGB sơ sinh, có nhiều trường hợp phải chống chỉ định, hoãn tiêm… Thậm chí nhiều bà mẹ trì hoãn, từ chối tiêm vắc xin do sợ phản ứng. Bên cạnh đó cũng có một số bệnh viện chưa nỗ lực triển khai.


Hiện tại, việc tiêm vắc xin VGB sơ sinh chủ yếu được thực hiện tại bệnh viện. Tại các trạm y tế chưa được triển khai do không có tủ lạnh bảo quản, không sẵn có vắc xin.Trẻ sinh tại nhà ở vùng miền núi, vùng khó khăn không có cơ hội tiêm chủng vắc xin VGB sơ sinh tại nhà.


Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cần phải đầu tư sớm vào công tác phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị viêm gan B và C. Chỉ có cách này là hiệu quả và sẽ cứu sống được nhiều người hơn, giảm các ca nhiễm mới và giảm chi phí điều trị trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét