Nguyên nhân và cách điều trị vàng da
Vàng da còn gọi là hoàng đảm (đản) là biểu hiện của tình trạng tăng chất Bilirubin (sắc tố mật) trong máu. Vàng da là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh khác nhau, có thể do tỳ, do gan, do tắc nghẽn ống dẫn mật, do tan huyết… Muốn điều trị có kết quả, trước hết cần phân biệt các thể lâm sàng từ đó đề ra nguyên tắc thích ứng cho từng trường hợp.
Nguyên nhân gây vàng da
Viêm gan B, C
Khi viêm gan virus sẽ có biểu hiện vàng da nhiều, vàng sậm, đi kèm là vàng mắt. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, mẫn ngứa... Khi có các dấu hiệu này, người bệnh nên đi xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh.
Tắc mật
Vàng da do tắc mật sẽ biểu hiện tam chứng Charcot với các triệu chứng theo thứ tự xuất hiện là đau, sốt, vàng da. Xuất hiện cả những cơn đau quặn gan xuất phát từ hạ sườn phải lan lên ngực và vai phải. Xét nghiệm máu thấy có tăng sắc tố mật và muối mật, gây hủy hoại tế bào gan.
Xơ gan - một trong những nguyên nhân gây vàng da.
Xơ gan
Viêm gan mãn tính sẽ dẫn đến xơ gan nếu không được điều trị. Triệu chứng của bệnh bao gồm: vàng mắt, vàng da, bụng chướng nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, chức năng gan suy giảm... bệnh phát triển âm thầm nền khó phát hiện. Cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện.
Ung thư đầu tụy
Lúc này bệnh nhân sẽ thấy vàng da ngày càng tăng kèm theo đó là phân bạc màu như phân cò. Đôi khi sốt, gan bị to nhưng không đau, túi mật to. Siêu âm bụng tổng quát sẽ thấy khối u ở đầu tụy.
Sốt rét
Khi bị bệnh sốt rét, người bệnh cũng bị vàng da nhẹ kèm theo những cơn rét run và lách to. Xét nghiệm máu sẽ phát hiện kí sinh trùng sốt rét.
Sốt rét rất hay gặp và cũng gây vàng da cho người mắc bệnh.
Bệnh Hanot giai đoạn đầu
Bệnh Hanot là tình trạng tắc nghẽn các tiểu quản mật trong gan không rõ nguyên nhân khiến cho bệnh nhân bị vàng da mãn tính, gan to, mệt mỏi, ngứa, lách to. Nhưng không có suy gan, tắc mật và cổ trướng.
Ung thư gan
Khi bị ung thư gan, da vàng càng ngày càng tăng kèm theo đó là đau vùng gan, mệt mỏi, sút cân, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Cổ trướng chọc hút có màu vàng xanh như mật hoăc là nước máu do ung thư di căn tới màng bụng. Gan to, phát triển nhanh, bề mặt gồ ghề, mật độ chắc.
Vàng da do tan máu
Bệnh tan máu bẩm sinh Minkowski Chauffard, bệnh Cooley, bệnh tự miễn, bệnh tan máu do lạnh. Dấu hiệu của những bệnh này là vàng da nhạt, kín đáo, thiếu máu tái phát nhiều lần, lách rất to, sức bền hồng cầu giảm.
*Lưu ý: Vàng da cũng có thể xảy ra khi người bình thường ăn quá nhiều chất caroten có trong những quả đu đủ, cà rốt, cà chua... trong thời gian dài.
Điều trị vàng da như thế nào?
Nói chung, phải điều trị theo nguyên nhân gây bệnh nhưng phần lớn vàng da do tắc nghẽn đường dẫn mật thì điều trị bằng ngoại khoa; còn vàng da do các nguyên nhân khác thì chủ yếu điều trị bằng nội khoa.
Nếu bị chứng vàng da, đặc biệt phải tránh những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ. Vì khi gan yếu đi, chức năng gan giảm, gan sẽ không có khả năng tiêu hóa dầu mỡ. Tuy nhiên, tránh ăn những thực phẩm nhiều giàu mỡ là chưa đủ mà còn cần phải ăn đúng loại thực phẩm để chữa vàng da. Như Nước ép củ cải, nước mía, nước chanh, dứa, quýt, lá húng quế, lúa mạch, nước ép cà chua… là những loại thực phẩm hữu hiệu chữa trị chứng vàng da.
Nguồn : baomoi.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét